Vì sao ăn mặn tăng huyết áp và cách khắc phục?
Ăn mặn là thói quen có từ lâu nhưng khó bỏ của người Việt. Mặc dù vậy, đã có rất nhiều chuyên gia khuyến cáo người dùng nên từ bỏ việc ăn mặn, bởi thói quen này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, điển hình là tình trạng tăng huyết áp – con đường ngắn nhất dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Mục lục
1. Tìm hiểu về bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp là bệnh lý mãn tính xảy ra khi áp lực của máu tác động đến thành động mạch tăng cao (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg, huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg), khiến người bệnh choáng váng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mờ mắt. Hiện nay, tại Việt Nam ước tính khoảng 12 triệu người mắc cao huyết áp, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.
Bệnh cao huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ quá trình tiến triển của bệnh diễn ra trong âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh lý khác; nhưng nếu không được theo dõi và kiểm soát kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng suy tim, bệnh mạch vành, nguy hiểm nhất là tăng nguy cơ đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.
Thói quen ăn nhiều muối mỗi ngày là nguyên nhân chính khiến huyết áp tăng cao, nguy hại cho tim mạch.
2. Vì sao ăn mặn tăng huyết áp?
“Ăn mặn” là thuật ngữ nói về chế độ ăn quá nhiều muối trong một ngày. Muối là khoáng chất cần thiết đối với cơ thể, được cấu thành từ 40% natri – có công dụng điều hoà chức năng thần kinh, chỉ số huyết áp và lượng máu lưu thông đến mỗi cơ quan. Mặc dù có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, song nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn mặn, ăn nhiều muối có liên quan chặt chẽ với bệnh tăng huyết áp. Vậy vì sao ăn mặn làm tăng huyết áp?
Để giải thích cho vấn đề này các chuyên gia đưa ra 5 phân tích về cơ chế tăng huyết áp của natri trong muối như sau:
2.1 Ăn nhiều muối làm tăng tích nước trong tế bào
Thói quen ăn nhiều muối làm tăng khả năng thẩm thấu của màng tế bào đối với natri. Lúc này, ion Na+ được vận chuyển liên tục vào tế bào cơ trơn của thành mạch, khiến tế bào tích nước, tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và cuối cùng là tăng huyết áp.
2.2 Ăn mặn phải uống nhiều nước, làm tăng áp lực lên thành mạch
Ăn mặn tăng huyết áp là do muối làm áp lực thẩm thấu trong máu tăng lên, dẫn đến cơ thể xuất hiện cảm giác khát khô, cần được bổ sung nước để cân bằng nồng độ dịch thể. Tình trạng này kéo dài có thể tăng dung lượng máu, tăng áp lực thành mạch và gây ra cao huyết áp.
Ăn mặn ngoài tăng huyết áp còn ảnh hưởng xấu đến thận
2.3 Ăn mặn khiến không gian bên trong động mạch bị thu hẹp
Ăn mặn khiến cơ thể chúng ta dung nạp nhiều natri hơn. Sau đó, natri sẽ hút nước từ thành của động mạch vào trong mạch máu, làm cho động mạch bị thu hẹp trong khi lượng nước và áp suất lại tăng lên, từ đó gây tăng huyết áp.
2.4 Ăn mặn hại thận, tăng nguy cơ cao huyết áp
Thứ nhất, ăn mặn làm tăng gánh nặng cho thận: Việc tiêu thụ quá nhiều muối sẽ khiến cơ thể có nhu cầu bổ sung nhiều nước hơn để đào thải muối ra ngoài, từ đó làm tăng tuần hoàn máu đến cầu thận, đòi hỏi thận phải làm việc nhiều hơn bình thường. Tình trạng này cứ kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến suy thận.
Thứ hai, ăn mặn tăng nguy cơ sỏi thận: Khi cơ thể nạp quá nhiều muối sẽ tăng đào thải natri, tăng lượng canxi bài tiết qua nước tiểu. Theo thời gian, canxi tích tụ trong nước tiểu sẽ lắng đọng, tạo nên tinh thể, hình thành sỏi thận.
Khi mắc bệnh sỏi thận hoặc suy thận, tức là chức năng lọc máu của thận bị cản trở, không đào thải được chất bài tiết ra bên ngoài, đồng thời tạo áp lực lớn lên thành mạch máu, hệ quả dẫn đến huyết áp tăng.
Ngoài việc ăn mặn làm tăng huyết áp, người dùng còn phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy khôn lường, tác động xấu đến sức khỏe, thể chất và cả tinh thần như: nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, sỏi thận, viêm loét dạ dày và tá tràng, yếu xương, sưng phù toàn thân hoặc thậm chí là giảm chức năng nhận thức. Đây chính là lý do tại sao người huyết áp cao không nên ăn mặn. Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, bệnh nhân phải tập thói quen cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn để bảo vệ sức khỏe tổng thể.
3. Dấu hiệu “tố cáo” bạn đã ăn quá nhiều muối
Rất khó để xác định hàm lượng muối chính xác trong mỗi loại thực phẩm là như thế nào. Vì vậy, để nhận biết cơ thể có đang thừa muối hay không, bạn có thể dựa theo 5 dấu hiệu sau:
- Luôn cảm thấy khát nước.
- Phù nề cơ thể, hoặc có bọng mắt khi mới ngủ dậy.
- Chuột rút cơ bắp.
- Ngày càng thèm ăn mặn nhiều hơn.
- Tiểu tiện thường xuyên, hoặc tiểu khó, tiểu ra máu.
Nếu bạn gặp phải một hoặc nhiều dấu hiệu trên đây thì có nghĩa, lượng muối đang vượt quá mức cần thiết, khiến cơ thể phải “biểu tình”. Để ngăn ngừa nguy hại cho sức khỏe, người dùng phải điều chỉnh thói quen ăn mặn, giảm lượng muối trong ăn uống càng sớm càng tốt.
Khát nước dữ dội là một trong những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thừa muối
4. Ăn bao nhiêu muối mỗi ngày là đủ?
Do đã quen thuộc với các món ăn đậm đà, vừa miệng nên nhiều người cảm thấy rất khó khăn để từ bỏ thói quen này. Tuy nhiên, trước tác hại nguy hiểm do ăn mặn gây ra, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người hãy cố gắng giảm muối trong chế độ ăn uống hằng ngày. Cách tốt nhất để thực hiện thói quen này là giảm dần muối và gia vị chứa muối trong mỗi bữa cơm hàng ngày.
– Đối với người trưởng thành, hãy tuân theo khuyến nghị từ Bộ Y tế:
- Người bình thường không béo phì hay cao huyết áp có thể ăn khoảng 6 – 8g muối và không quá 5g mì chính/ngày.
- Những người bị tăng huyết áp chỉ nên dùng 2 – 3g muối/ngày.
- Những người bệnh suy thận, suy tim hoặc có yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu thì lượng muối phải hạn chế tối đa, không quá 5g muối trong 1 ngày.
– Đối với trẻ em, người lớn nên tập thói quen cho bé ăn nhạt ngay từ đầu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Theo từng độ tuổi:
- Từ 1–3 tuổi không ăn quá 2g muối (tương đương 0,8g natri) mỗi ngày.
- Từ 4–6 tuổi không ăn quá 3g muối (tương đương 1,2g natri) mỗi ngày.
- Từ 7–10 tuổi không ăn quá 5g muối (tương đương 2g natri) mỗi ngày.
- Từ 11 tuổi trở lên không ăn quá 6g muối (tương đương 2,4g natri) mỗi ngày.
– Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ không nên cho trẻ hấp thụ nhiều muối vì lúc này, hoạt động của thận chưa hoàn thiện. Trẻ dưới 1 tuổi nên ăn ít hơn 1g muối/ngày. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức thì bạn không cần thêm muối hay viên gia vị khác vào sữa. Bởi trong sản phẩm đã có sẵn khoáng chất thích hợp, nếu bổ sung có thể vượt quá lượng muối cần thiết cho trẻ.
5. Làm thế nào để hạn chế ăn nhiều muối?
Dưới đây, bài viết “mách bạn” một vài mẹo nhỏ đơn giản giúp hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể:
5.1 Giảm dần gia vị khi nấu ăn
Để giảm muối nhưng đảm bảo món ăn đậm đà, người dùng nên cắt giảm dần dần thay vì đột ngột (trừ trường hợp bệnh lý được chỉ định) để tránh ảnh hưởng đến khẩu vị, tránh tạo cảm giác không ngon miệng và không thể duy trì lâu dài. Chưa kể, loại bỏ muối hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống còn gây ra tình trạng biếng ăn, khiến cơ thể không hấp thụ tốt dinh dưỡng.
Hãy giảm muối từ từ trong bữa ăn hằng ngày để ngăn ngừa ăn mặn tăng huyết áp
5.2 Chọn thực phẩm ít muối
Để giảm ăn mặn, người dùng nên lựa chọn thực phẩm ít muối như rau xanh, trái cây. Ngoài ra, cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa hàm lượng muối cao như mắm tôm, dưa cà muối, thịt hun khói, thịt đóng hộp, thịt sấy, cá mắm, rau quả đóng hộp, pho mát, hải sản, xúc xích, thịt nguội.
5.3 Tăng cường thực phẩm tươi, tốt cho sức khỏe
Ngoài giảm muối để phòng bệnh tăng huyết áp, người dùng nên bổ sung thực phẩm giàu kali, chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau cải, cà chua, bầu bí, khóm, mía, cam, khoai lang, khoai tây, đậu xanh hoặc đậu đen để vừa nâng cao sức khỏe tổng thể, vừa ngăn ngừa các bệnh lý mạn tính khác.
>>> Có thể bạn quan tâm: Người bị cao huyết áp nên ăn thực phẩm gì?
5.4 Sử dụng gia vị ít mặn
Ngoài những cách vừa kể trên, sử dụng gia vị ít mặn được xem là giải pháp tối ưu để bảo vệ sức khỏe. Điển hình như nước mắm giảm mặn là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng hiện đại tin chọn hiện nay. Với dây chuyền sản xuất hiện đại và hoàn toàn khép kín, nước mắm giảm mặn đã chiếm trọn niềm tin yêu của hàng chục triệu gia đình Việt, nhờ thỏa mãn tiêu chí cả về thị giác (màu nâu đẹp, sáng, trong), vị giác (đậm đà, hậu ngọt, không quá mặn và không chát gắt) và khứu giác (hương thơm dễ chịu, đượm mùi cá biển).
Dù chế biến hay chấm trực tiếp, nước mắm giảm mặn đều mang đến hương vị thơm ngon, chuẩn vị hài hòa trong từng món ăn và góp phần bảo vệ trái tim khỏe mạnh.
Nước mắm giảm mặn là xu hướng tiêu dùng của hàng triệu gia đình Việt hiện nay, vừa giúp ăn ngon đậm vị vừa bảo vệ an toàn cho sức khỏe của cả nhà
Tóm lại, ăn mặn tăng huyết áp là một sự thật không thể bàn cãi. Vì thế, giảm muối trong chế độ ăn uống là giải pháp ngăn ngừa tăng huyết áp, bệnh tim mạch cũng như bệnh lý nguy hiểm khác. Ngay hôm nay, mỗi người hãy chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách sinh hoạt lành mạnh, cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Tin rằng, chỉ với một thay đổi nhỏ, từ bỏ thói quen ăn mặn là bạn có thể vừa giữ gìn sức khỏe, hạn chế nhiều nguy cơ bệnh tật, vừa tận hưởng bữa ăn đạt ngưỡng hương vị “chuẩn”, không cần thêm, cũng chẳng phải bớt!
>>> Xem thêm: