Thèm ăn mặn khi mang thai, mẹ bầu cần lưu ý gì?
Trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi khẩu vị và thói quen ăn uống. Theo đó tình trạng thèm ăn mặn khi mang thai là vô cùng phổ biến, thường xuất hiện vào tam cá nguyệt đầu tiên, cao điểm vào tam cá nguyệt thứ hai và giảm dần cho đến khi sinh.
Điều này cũng khiến nhiều mẹ bầu lo lắng thói quen này có tốt cho sức khỏe của mình và thai nhi không? Theo dõi tiếp bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Những điều cần biết về vấn đề ăn mặn khi mang thai
Chúng ta ai cũng biết Natri trong muối là một khoáng chất thiết yếu, có vai trò điều hòa, duy trì và bù đắp lượng nước mất đi trong cơ thể mẹ bầu. Đặc biệt, muối I-ốt còn giúp mẹ mang thai khỏe mạnh, bé thông minh và phòng ngừa bệnh bướu cổ.
Tuy nhiên, lượng muối tối đa mà Bộ Y tế khuyến nghị mỗi người nên tiêu thụ là 5g muối, tương đương một thìa cà phê hoặc tương đương với 2g Natri. Trên thực tế, các chị em thường ăn muối vượt hơn mức này rất nhiều.
Nhiều người cho rằng thèm ăn mặn là dấu hiệu sinh con trai. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định rằng: chế độ ăn uống chỉ hỗ trợ, chứ hoàn toàn không quyết định khả năng thụ thai hay sinh con trai, con gái. Việc sinh con trai hay con gái là phụ thuộc chủ yếu vào tinh trùng của người chồng.
Vậy tình trạng thèm ăn mặn ở bà bầu xuất phát từ nguyên nhân nào?
- Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai dẫn đến cảm giác thèm ăn bất thường, trong đó có cả cảm giác thèm ăn mặn.
- Khi mang thai, lượng máu của người phụ nữ tăng lên, do đó nhu cầu Natri nhiều hơn, hình thành nên thói quen thèm ăn mặn.
- Hiện tượng ốm nghén khiến bà bầu thường thấy nhạt miệng và có xu hướng tìm đến các món mặn.
- Ngoài ra đối với một số chị em, việc ăn mặn đã là thói quen thường ngày (đã có từ trước khi mang thai).
Nhiều chị em thai phụ đang ăn mặn quá mức nhưng không hề hay biết
Các chuyên gia cảnh báo, thói quen ăn mặn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Cụ thể như sau:
- Huyết áp cao: Ăn quá nhiều muối, làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với Natri, dẫn đến co mạch và tăng huyết áp. Tình trạng này nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến tiền sản giật và các bệnh về tim mạch.
- Mệt mỏi kéo dài: Ăn mặn làm tăng trữ lượng Natri trong cơ thể, lượng chất trong cơ thể mẹ bầu dần mất đi sự cân bằng, gây mệt mỏi, thường xuyên hồi hộp, buồn bực khó chịu, từ đó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Phù nề: Tác hại của việc ăn mặn ở bà bầu còn biểu hiện qua quá trình tích tụ chất lỏng ở tay và bàn chân, gây sưng phù, đi đứng khó khăn.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp: Bởi ăn mặn có thể làm giảm bài tiết nước bọt, tạo môi trường phát triển cho các loại vi khuẩn trong khoang miệng, dễ dẫn đến viêm họng và nhiều bệnh khác liên quan hô hấp.
- Nhiễm độc thai nghén: Ăn quá nhiều muối trong thai kỳ còn làm tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén – tình trạng rối loạn co thắt mạch máu, gây biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
2. Bí quyết giúp mẹ bầu vượt qua nghén mặn dễ dàng
Dưới đây là một số cách mà các chị em nên áp dụng:
Hạn chế dùng các món mặn: Tránh lựa chọn hoặc ăn quá nhiều các món như ô mai, bánh quy mặn, khoai tây chiên, xúc xích, cá khô, các loại mắm, lạp xưởng… Trong trường hợp quá thèm, mẹ bầu chỉ nên ăn ít và chia thành nhiều lần.
Hạn chế dùng gia vị mặn: Trong khi chế biến món ăn, không cho quá nhiều muối hoặc nước mắm, hoặc khi cho thêm gia vị thì hãy nếm món ăn trước để tránh nêm quá mặn. Bên cạnh đó khi chấm món ăn với nước tương hoặc nước mắm, mẹ bầu có thể kết hợp cùng chanh, giấm hay các loại thảo mộc nhằm làm giảm vị mặn tối đa.
Bà bầu hãy hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chế, tẩm ướp và nấu món ăn
Ngoài ra hiện nay, xu hướng sử dụng nước mắm giảm mặn cũng ngày càng được khuyến khích. Đây là những sản phẩm đã được giảm muối trong công thức, nhưng vẫn đáp ứng vị ngon hài hòa cho món ăn.
Đọc kỹ thành phần khi mua thực phẩm: Hãy kiểm tra lượng muối trên thực phẩm đóng gói hoặc gia vị, đặt mục tiêu ít hơn 1,5g muối trên 100g thực phẩm.
Mẹo để “đánh bay” cảm giác nhạt miệng: Mẹ bầu nên ăn chậm nhai kỹ để cảm nhận trọn vẹn vị của món ăn. Nếu cảm thấy nhạt miệng, hãy uống một cốc nước lọc hoặc nước hoa quả thay vì dùng đồ ăn vặt (chứa gia vị mặn).
Mặt khác, bà bầu cũng nên uống nhiều nước trong ngày và tăng cường thực phẩm có ích cho sức khỏe của mẹ và thai nhi (như sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa, kết hợp nhiều rau xanh và trái cây) để tăng cường sức khỏe thai kỳ, giải độc và loại bỏ lượng muối ra khỏi cơ thể.
Theo các nghiên cứu, mỗi người chúng ta trung bình mất khoảng 3 tuần để bắt đầu thích nghi với vị giác mới và làm quen với món ăn không ướp muối. Do đó để giảm ăn mặn khi mang thai, các chị em hãy kiên nhẫn trong thời gian đầu nhé!
>>> Xem thêm: